Hướng Dẫn Chăm Sóc Trẻ Bị Viêm Da Cơ Địa

Hướng Dẫn Chăm Sóc Trẻ Bị Viêm Da Cơ Địa - Trường Mầm Non Ngôi Nhà Mơ Ước

Bệnh viêm da cơ có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ với những triệu chứng điển hình như các thương tổn da khô đi kèm với ngứa. Bệnh gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ nên cần được điều trị sớm và tích cực. Dưới đây là 1 số hướng dẫn về cách chăm sóc cho trẻ khi bị viêm da cơ địa.

Chăm sóc da cho trẻ như thế nào?

– Cải thiện triệu chứng bệnh: giảm ngứa, giảm viêm

– Dưỡng ẩm cho da, tái tạo nước cho da

– Bảo vệ da

– Phòng và điều trị nhiễm trùng

Kiểm soát ngứa cho trẻ

Khi ngứa trẻ thường gãi làm cho bệnh trở nên nặng hơn và có thể gây nhiễm trùng. Vì vậy để giảm ngứa có thể áp dụng một số cách làm sau :

– Sử dụng băng ướt hoặc đắp ẩm cho vùng da tổn thương

– Khi trẻ ngứa và gãi nhiều có thể đánh lạc hướng của trẻ như chơi trò chơi, xem TV,…

– Giữ tay của trẻ sạch sẽ và cắt móng tay thường xuyên

– Sử dụng thuốc cho trẻ theo hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa

Giữ ẩm cho da

Nên sử dụng kem dưỡng ẩm ít gây kích ứng da thường xuyên khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu của bệnh và ngay cả khi đã hết bệnh. Kem dưỡng da nên bôi toàn thân chứ không chỉ  vùng da tổn thương.  Số lần sử dụng kem dưỡng da tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh, có thể 1 lần, 2 lần hoặc nhiều hơn. Nên bôi kem sau khi làm ẩm da (tắm, băng ướt,…). Nếu có chỉ định bôi thuốc của bác sỹ thì bôi thuốc trước rồi thoa một lớp kem dưỡng ẩm phủ lên trên. Có thể khuyến khích trẻ cùng tham gia vào việc bôi kem. Chú ý khi lấy kem để bôi nên dùng dụng cụ sạch lấy ra một lượng vừa đủ để bôi tránh làm bẩn lượng kem chưa dùng đến.

* Cách băng ướt cho trẻ: Sử dụng phương pháp băng ướt nếu bệnh VDCĐ không được kiểm soát trong vòng 24-48 giờ sau khi bắt đầu điều trị bằng cortisone. Băng ướt rất hiệu quả và thường chỉ cần từ ba đến năm ngày. Có thể pha dung dịch làm tăng cường độ ẩm cho da theo chỉ định của bác sỹ để việc đắp ẩm cho da hiệu quả hơn. Có thể thực hiện băng ướt cho trẻ vài lần mỗi ngày tùy thuộc vào mức độ nặng của da. Thực hiện băng ướt theo các bước sau:

Bước 1: Làm ướt khăn (hoặc băng dạng ống hoặc quần áo) trong chậu nước ấm có pha dung dịch làm ẩm cho da (VD: dầu tắm Hamilton bath oil).

Bước 2: Bôi cortisone hoặc các loại thuốc theo chỉ định của bác sỹ vào những vùng da khô, sẩn đỏ.

Bước 3: Bôi kem dưỡng ẩm toàn thân

Bước 4: Băng ướt hoặc đắp ẩm tùy theo vị trí tổn thương da:

– Vùng mặt: làm ướt khăm mềm với nước mát sau đó áp vào mặt vùng da khô và sẩn đỏ trong 5-10  phút.

– Vùng đầu: làm ướt một chiếc khăn tam giác hoặc mũ cotton mềm với nước mát rồi trùm lên đầu trẻ trong vòng 5-10 phút.

– Tay, chân: dùng băng dạng ống mềm (giống như một chiếc tất được hở 2 đầu) hoặc khăn mềm được làm ướt bằng nước mát sau đó đeo (quấn) vào vùng da khô, sẩn đỏ ở tay, chân. Sau đó đeo một lớp băng dạng ống khô (hoặc quấn khăn khô) phía bên ngoài. Khi nào băng (khăn) khô thì tháo ra, bôi kem dưỡng ẩm và mặc đồ lại cho trẻ như bình thường.

– Lưng, ngực, bụng: dùng một chiếc áo cotton mềm được làm ướt với nước sau đó mặc lên người cho trẻ và mặc một lớp áo khô phía bên ngoài cho trẻ. Khi nào áo khô (thường khoảng 1- 2 giờ) thì cởi ra, bôi kem dưỡng ẩm và mặc đồ lại cho trẻ.

* Cách tắm cho trẻ:

– Không nên tắm cho trẻ bằng nước quá nóng sẽ làm da trẻ bị khô và ngứa nhiều hơn. Nên sử dụng nước ấm nhẹ (nước tắm không quá 30oC hoặc mát hơn tùy thời tiết). Nên tắm hằng ngày và sử dụng sữa tắm thay thế xà phòng (xà phòng làm da bị khô hơn). Cho trẻ ngâm mình trong chậu tắm hoặc bồn tắm có pha sữa tắm trong 15-30 phút để tăng cường cấp ẩm cho da. Nên tắm cho trẻ 2 giờ trước khi ngủ để giúp trẻ ngủ ngon hơn.

– Một số trường hợp trẻ bị VDCĐ bội nhiễm có thể cho trẻ tắm bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.

Một số lưu ý đặc biệt khi chăm sóc trẻ:

– Một số trẻ bị viêm da quanh miệng thường liên quan đến thức ăn hoặc nước bọt cần được vệ sinh sạch vùng da quanh miệng bằng khăn mềm và ướt sau đó bôi một lớp kem dưỡng ẩm.

– Nên sử dụng quần áo cho trẻ với chất liệu cotton mềm mại và loại bỏ nhãn mác tránh cọ xát vào da.

–  Không nên sử dụng chăn từ chất liệu len hoặc nhung nên sử dụng một tấm chăn bông hoặc cotton thay thế để tránh làm cho da trẻ quá nóng.

– Tránh các chất dễ gây kích ứng cho da (chất tẩy rửa, xà phòng, cát bụi,…) và các yếu tố làm trẻ bị nặng lên.

– Nên tạo môi trường sống thoáng mát cho trẻ cả ngày lẫn đêm (hạn chế dùng lò sưởi, quạt sưởi,…)

– Nên cho trẻ đi khám ngay nếu trẻ không cải thiện sau 2 ngày điều trị hoặc có biểu hiện nhiễm trùng (vùng da tổn thương bị nứt, chảy nước,…)

Nguồn: Sưu tầm

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon