Giáo dục sớm cho lứa tuổi mầm non hiện đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm từ ba mẹ phụ huynh, bởi nó có tầm ảnh hưởng rất quan trọng tới thành công của trẻ sau này.
Reggio Emilia là một trong những phương pháp giáo dục sớm có nguồn gốc từ nước Ý. Phương pháp này nhận định rằng thông qua sự tò mò và trí tưởng tượng trong quá trình học hỏi, những tiềm năng ẩn sâu bên trong của trẻ sẽ dần được giải phóng.
1. Các lợi ích mà phương pháp Reggio Emilia mang lại:
- Kích thích sự tò mò, quan sát của trẻ.
- Giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh từ đó tạo nên sự yêu thích tìm tòi học tập ở trẻ.
- Giúp trẻ phát triển khả năng tưởng tượng và sáng tạo qua các hoạt động như vẽ, nặn, sáng tác tranh.
- Phát triển khả năng hợp tác và làm việc nhóm.
- Giúp trẻ biết yêu và bảo vệ thiên nhiên.
2. Những vật liệu thông minh được sử dụng hỗ trợ trẻ thể hiện sự sáng tạo.
Các đồ chơi trong phòng học Reggio Emilia đều đa mục đích, đa chức năng. Nhà trường sẽ cung cấp một loạt các nguyên liệu mở để trẻ có thể khám phá và sử dụng một cách sáng tạo. Nhiều thứ trong số đó bắt nguồn từ vật liệu thiên nhiên như: gỗ, đá, vỏ sò, vỏ ốc, hạt và lá.
Những vật liệu thông minh này chứa đựng nhiều giá trị và tiềm năng, giúp trẻ sẵn sàng chuyển đổi thành bất cứ hình thức nào trong phát minh của mình. Bên cạnh đó, đất sét và dây – hai vật này không chỉ phát triển thao tác mà chúng còn khuyến khích trẻ sử dụng trí tưởng tượng một cách linh hoạt và đa chiều.
3. Hàng trăm ngôn ngữ trẻ thơ.
Nghệ thuật được xem là một chìa khóa quan trọng tại các trường học Reggio. Tại đây, trẻ em được tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau như: vẽ tranh, đóng kịch, âm nhạc, khiêu vũ…
Thông qua các hoạt động phát triển, hình thành thẩm mỹ nghệ thuật này, các em có thể diễn tả sự hiểu biết, cảm xúc hay ý tưởng của mình bằng hàng trăm ngôn ngữ khác nhau. Trẻ sử dụng tất cả các giác quan và ngôn ngữ của mình để học.
Trẻ tiếp cận thông tin và được rèn kỹ năng thông qua các kênh giác quan đa dạng
4. Kế hoạch giảng dạy linh hoạt.
Chương trình Reggio Emilia giảng dạy không theo một giáo trình sẵn có, mà thông qua việc quan sát và lắng nghe sở thích cũng như nguyện vọng của các cá nhân riêng biệt, các giáo viên sẽ quyết định chủ đề tiếp theo mà trẻ sẽ tìm hiểu.
Nếu như con trẻ bày tỏ ý thích với công việc xây dựng, cô giáo sẽ mang những mẩu gỗ và các vật liệu xây dựng đến lớp học. Và trong quá trình ấy, các em sẽ được củng cố các kỹ năng về toán học, cũng như khám phá thêm nhiều kiến thức mới có liên quan đến lịch sử, mỹ thuật…
5. Giáo viên chỉ là người dẫn dắt.
Vai trò của giáo viên trong các lớp học là người tìm hiểu và khuyến khích trẻ khám phá thế giới xung quanh thông qua việc tương tác và đặt câu hỏi. Các thầy cô không áp đặt suy nghĩ riêng và bắt trẻ phải làm theo ý mình. Bằng cách gợi mở khéo léo, giáo viên có thể kích thích trí tưởng tượng và giúp trẻ nảy ra những ý tưởng đa dạng.
Ngoài ra, các thầy cô còn là cầu nối giữa trẻ và cha mẹ, các vị phụ huynh luôn được khuyến khích tham gia vào các cuộc họp do nhà trường tổ chức để thảo luận về chính sách và phương pháp giáo dục, hay những hội thảo đặc biệt về những vấn đề sức khỏe, chế độ ăn uống cân bằng…
Nguồn: Sưu tầm